Exploding Head Syndrome

HỘI CHỨNG ĐẦU PHÁT NỔ (EHS)
Có bao giờ trong lúc ngủ các bạn nghe trong đầu mình có một tiếng nổ chói tai, tiếng lạo xạo như tia lửa lúc bị chập điện hay đột nhiên có thứ ánh sáng lóe lên như có ai pha cái đèn vô mặt chưa?
Có thuyết cho rằng điều này bắt nguồn từ những hiện tượng siêu nhiên như bị ma gõ cái nồi vào đầu hay bị người ngoài hành tinh chiếu đèn hút lên đĩa bay dự tiệc trà,.. và nhiều thuyết siêu nhiên khác tưởng chừng như hoang đường nhưng lại bất hợp lí.
Hôm nay mình sẽ mang đến cho mọi người một góc nhìn khoa học hơn về hiện tượng trên.


1/ Mô tả sơ lược:
Exploding head syndrome (EHS) tên Việt hóa là Hội chứng đầu phát nổ, thường gọi là cảm giác sốc hộp sọ, là một tình trạng lành tính mà trong lúc ngủ hoặc khi thức dậy sẽ trải qua việc chịu đựng những tiếng ồn không lớn lắm trong một khoản thời gian ngắn ví dụ như tiếng bom nổ, tiếng súng hay tiếng lạo xạo như tia lửa điện.
Hội chứng EHS được phân loại như một chứng mất ngủ và rối loạn phân ly liên quan đến giấc ngủ theo Phân loại rối loạn giấc ngủ quốc tế năm 2005 và là một loại ảo giác thính giác bất thường xảy ra ở những người không tỉnh táo hoàn toàn.

2/ Lịch sử về EHS:
Hội chứng này được bác sỹ Silas Weir Mitchell nhắc đến lần đầu với tên gọi là “nổ giác quan” vào năm 1876 khi 2 bệnh nhân của ông bị đánh thức bởi những tiếng như tiếng chuông vang rền hay tiếng súng nổ trong đầu.
Đến năm 1920 thì cụm từ “snapping of the brain” được đặt ra cho hội chứng này bởi bác sĩ tâm thần người Anh Robert Armstrong-Jones.
Vào năm 1989 thì một mô tả chi tiết của hội chứng và tên “Exploding head syndrome” (EHS) được đưa ra bởi nhà thần kinh học người Anh John MS Pearce .
Gần đây hơn, Peter Goadsby và Brian Sharpless đã đề xuất đổi tên EHS thành “episodic cranial sensory shock” hay “sốc cảm giác sọ não” với các mô tả về triệu chứng chính xác và phù hợp hơn cái mà Mitchell đã đưa ra.

3/ Triệu chứng:
Người mắc phải hội chứng đầu phát nổ hoặc nghe những tiếng ồn ào tưởng tượng với cường độ lớn khi họ đang ngủ hoặc thức dậy, có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ thường sẽ sợ hãi với âm thanh nhưng lại không trải qua cảm giác đau đớn nào đáng kể.
Có khoảng 10% người mắc hội chứng này cũng gặp phải những rối loạn thị giác. Một số người cảm thấy nóng, cảm giác lạnh cơ thể hoặc cảm giác ngứa ran trên đầu trước khi ảo giác thính giác này xảy ra.
Với sự kích thích thính giác từ EHS, tuy không gây ra đau đớn nhưng người mắc phải sẽ trải qua sự hoang mang, giật cơ tim, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi và cảm giác như thể họ đã bị ngừng thở và phải cố gắng để thở lại lần nữa.
Các ảo giác thính giác này sẽ không cố định mà sẽ luôn thay đổi, có thể có hai hoặc nhiều hơn xảy ra trong vài tuần hoặc vài tháng trước khi các ảo giác này biến mất hoặc các ảo giác này có thể tái diễn bất thường trong vài ngày, vài tuần hoặc nhiều tháng, thậm chí dài hơn trong suốt cuộc đời. Có ghi chép rằng có người gặp phải hội chứng này chỉ một lần trong đời, cũng có người bị hội chứng này lặp đi lặp lại nhiều lần trong cùng một đêm.

I Suffer From Exploding Head Syndrome, And Here's A Comic Explaining What  It's Like | Bored Panda

4/ Nguyên nhân:
Nguyên nhân của EHS không rõ ràng vì có rất ít nghiên cứu về hội chứng này, nhưng một số giả thuyết cũng đã được đưa ra như: Rối loạn chức năng của tai, bao gồm những thay đổi đột ngột ở thành phần tai giữa hoặc ống Eustachian; Hội chứng ngưng thuốc chống trầm cảm; Co giật nhẹ ảnh hưởng đến thùy thái dương;….
Có một thuyết khá thú vị về hội chứng này dựa trên các hoạt động của não bộ vào ban đêm được theo dõi ở nhóm người mắc phải hội chứng này.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng có những bùng phát hoạt động của não bộ trùng hợp với lúc xuất hiện hội chứng EHS. Thông thường khi ngủ, cơ thể của chúng ta sẽ tiến vào trạng thái nghỉ ngơi và ta chỉ còn “hoạt động” trong các giấc mơ.
Theo nhà tâm lý học Brian A. Sharpless thì khi chuyển từ trạng thái thức sang ngủ, não sẽ “tắt dần” các phần chức năng của mình. Tuy nhiên, với hội chứng EHS, có một chút giật cục xảy ra với các phần của não trong việc “tắt dần” để nghỉ ngơi khiến cho cả hệ thống không tắt đều mà có những chỗ tắt chậm hơn. Sự chậm trễ này liên quan đến ức chế sóng não Alpha vốn làm ta buồn ngủ và có một sự bùng nổ bất chợt xảy ra ở phần não chịu trách nhiệm xử lý âm thanh. Ông Sharpless cho rằng tất cả các tế bào thần kinh ở đó đã cùng lúc “khai hỏa” khiến cho xuất hiện một tiếng nổ lớn trong đầu của người mắc phải hội chứng này.

5/ Cách điều trị:
Hiện nay vẫn chưa có liệu pháp nào để điều trị hội chứng EHS. Một số người tin rằng các loại thuốc chống trầm cảm, các liệu pháp chống trầm cảm và thư giãn có thể giúp giảm bớt tần suất xảy ra hội chứng này.

Lời kết:
Hội chứng EHS là một hội chứng lành tính cho nên khi bạn nghe có ai đó than phiền về việc họ thường xuyên nghe thấy nó thì hãy trấn an rằng họ không bị thần kinh, có u não sắp lìa đời như phim Hàn hoặc bị các chứng rối loạn não khác khiến họ ngỏm và xuyên không hay chuyển sinh đi đâu đó nhé.

I Suffer From Exploding Head Syndrome, And Here's A Comic Explaining What  It's Like | Exploding head syndrome, Syndrome, Help me fall asleep

Nguồn: Tổng hợp

Leave a comment

Website Powered by WordPress.com.

Up ↑